gia tri12312slide3hoaslide6daoslide8sen
sologun

Các tỉnh phía Nam: Xuất khẩu còn nhiều khó khăn

 

 

Theo báo cáo tại hội nghị ngành Công Thương các tỉnh phía Nam vừa tổ chức tại TP. Cần Thơ, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong 7 tháng năm 2015, nhưng hoạt động xuất khẩu (XK) của các tỉnh khu vực phía Nam vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện trên 35.313 triệu USD, đạt trên 52% kế hoạch năm, tăng  trên 12% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (9,5%), chiếm tỷ trọng trên 38% so với cả nước.

Hoạt động XK của nhiều tỉnh trong khu vực đang phục hồi sau thời gian gặp khó khăn về thị trường, vốn, nguyên liệu, giá cả.... Đa số các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng mới. Thị trường XK hàng hóa được mở rộng. Kim ngạch XK của nhiều sản phẩm tăng lên. 7 tháng năm 2015, kim ngạch XK của toàn khu vực tăng khá cao (12,24%) so với cùng kỳ. Trong đó, 4 tỉnh có mức tăng mạnh trên 21% và 2 tỉnh tăng trên 13%.

Kết quả XK 7 tháng đầu năm nay của khu vực phía Nam cho thấy, các mặt hàng nông sản như: cà phê, hạt điều, hạt tiêu, mật ong, nông sản chế biến, trái cây đóng hộp,... tăng khá do sản lượng và đơn giá XK đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Các mặt khác như sản phẩm nhựa, ống đồng, túi xách, may mặc, giày vẫn tiếp tục phát triển ổn định.

Kim ngạch nhập khẩu (NK) nhóm hàng máy móc, thiết bị nhìn chung có xu hướng tăng, cho thấy tình hình sản xuất có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng. Các giải pháp thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển đã góp phần giúp kiểm soát hàng NK, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.

Mặt khác, tuy kim ngạch NK nhóm hàng nguyên liệu như vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày chỉ tăng ở mức thấp nhưng kim ngạch XK các mặt hàng liên quan đến nguyên phụ liệu trên như dệt may, giày dép vẫn tiếp tục tăng, điều này cho thấy các doanh nghiệp từng bước đã tận dụng và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên sản phẩm, chất lượng tăng trưởng XK tiếp tục được nâng lên.

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, theo nhận định của các địa phương, sức cạnh tranh của sản phẩm XK còn yếu do hầu hết sản phẩm XK chủ yếu là các mặt hàng sơ chế, xuất thô và chưa có thương hiệu.

Bên cạnh các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao như giày dép, hàng may mặc, túi xách, hạt điều nhân..., XK nhóm hàng nông, thủy sản giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch, nhất là các mặt hàng: thủy sản, gạo, cao su, thanh long…

Theo nhận định của Sở Công Thương TP. Cần Thơ, hai mặt hàng gạo và thủy sản vẫn còn khó khăn, chưa thể sớm phục hồi trong thời gian trước mắt, do những tồn tại trong sản xuất nông nghiệp nhưng Chính phủ chưa có giải pháp căn cơ để mang lại lợi ích lâu dài cho nông dân. Bên cạnh đó các chính sách cho nông nghiệp chưa đủ mạnh để giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này (lĩnh vực chịu nhiều tác động của thiên nhiên và thị trường thế giới).

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh XK hàng thủy sản và gạo trong thời gian qua hoạt động không hiệu quả do doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, thiếu vốn để sản xuất kinh doanh nên chưa chủ động trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm tạo nguồn nguyên liệu bền vững, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Thị trường XK của một số doanh nghiệp qua các nước lớn như Mỹ, Nhật và châu Âu... nhất là đối với mặt hàng thủy sản ngày càng khó khăn, phức tạp. Hàng thủy sản đang gặp rào cản thuế quan và kỹ thuật của nhiều nước, đồng thời do thiếu nguồn nguyên liệu tại chỗ nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng XK với số lượng lớn.

Cùng với thủy sản, mặt hàng gạo cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về phẩm cấp và giá XK. Nhu cầu NK gạo của các nước thuộc thị trường truyền thống như châu Phi, Philippines,… sụt giảm mạnh cũng gây khó khăn cho hoạt động XK mặt hàng này.

Bên cạnh gạo, thủy sản, đầu ra của sản phẩm cao su thiên nhiên đang gặp khó khăn về thị trường và giá. Thị trường XK cao su chủ yếu là Trung Quốc luôn chứa đựng nhiều rủi ro. Đồng thời, thị trường Trung Quốc đang hạn chế NK mặt hàng này nên dẫn đến giá mủ cao su giảm sâu so với những năm gần đây. 

Theo báo Hải Quan.